Skip to main content

Năm 2018 sản lượng thức ăn thủy sản toàn cầu đạt ngưỡng 40 triệu tấn

Theo thống kê mới nhất do Nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi AllTech của Mỹ công bố, năm 2018 sản lượng thức ăn thủy sản toàn cầu ước tính tăng 4% đạt 40 triệu tấn.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp Alltech có khảo sát về lĩnh vực thức ăn toàn cầu, tập hợp tất cả thông tin thu thập từ các nhóm bán hàng của công ty và các đối tác trên toàn cầu. Khảo sát năm 2018 cho thấy, tăng trưởng trong ngành thức ăn nuôi trồng thủy sản xảy ra chủ yếu ở Trung Quốc, Đông Nam Á và một số nước châu Âu.

Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất thức ăn thủy sản lớn nhất toàn cầu, tăng 1% so với năm 2018 với 15,7 triệu tấn, tương đương với 39,7% tổng sản lượng toàn cầu. Sau Trung Quốc là Việt Nam với 3,9 triệu tấn, tiếp theo là Ấn Độ (2,1 triệu tấn), Na Uy và Indonesia (cùng đạt 1,8 triệu tấn).

Đặc biệt, sản lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản của Việt Nam tăng 1 triệu tấn trong năm 2018, góp phần tăng tổng sản lượng thức ăn thủy sản 6% trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xu hướng tăng trưởng này có dấu hiệu tiếp tục trong năm 2019, Alltech cho biết.

Trong khi đó, tại châu Âu, Alltech cho rằng các nhà sản xuất thủy sản hàng đầu của châu lục "có thể tăng trưởng mạnh hoặc không thay đổi", với tổng sản lượng thức ăn thủy sản tăng 5%.

Các quốc gia ở châu Âu có tăng trưởng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản là Tây Ban Nha, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Bồ Đào Nha và Ý. Ngoại trừ Na Uy, nhiều quốc gia trong số này không phải là những nhà sản xuất thủy sản lớn. Nhìn chung, các quốc gia này tạo nên mức tăng sản lượng thủy sản khoảng 70.000 tấn của châu Âu.

blog5-1.jpg

Đặc biệt, năm 2018, Tây Ban Nha tăng trưởng đáng kể (tăng 31%) sản lượng thủy sản so với năm 2017. Các quốc gia khu vực Scandinavi chiếm 45% tổng sản lượng thức ăn thủy sản của châu Âu với 1,83 triệu tấn.

Tại Châu Mỹ Latinh, dữ liệu của Alltech cho thấy sản lượng thức ăn thủy sản hàng năm là 3,92 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm 2017. Brazil và Chile vẫn là những nhà sản xuất thức ăn thủy sản lớn nhất khu vực, đóng góp lần lượt 1,2 và 1,1 triệu tấn vào tổng thị phần của lục địa này; Ecuador là nhà sản xuất lớn thứ 3  của khu vực này với 550.000 tấn trong năm 2018.

Xu hướng thay đổi thức ăn toàn cầu

Cũng theo khảo sát toàn cầu của Alltech, sản lượng thức ăn hiện tại tại tất cả các thị trường hiện đã vượt 1 tỷ tấn trong năm thứ 3 liên tiếp, với 1,03 tỷ tấn năm 2018, tăng 3% so với  năm 2017. Trong 5 năm qua, ngành thức ăn chăn nuôi toàn cầu đã tăng trưởng 14,6%, tăng trưởng tập trung ở 8 quốc gia hàng đầu: Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Nga, Ấn Độ, Mexico, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 55% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi của thế giới và chiếm 59% các nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, với 394,9 triệu tấn, tương đương 36% tổng sản lượng toàn cầu. Châu Âu là thị trường cạnh tranh lớn với khu vực châu Á- Thái Bình Dương, với tổng sản lượng năm 2018 tăng 4% trong đạt 277,1 triệu tấn.

Mặc dù thị phần vẫn tiếp tục tăng, nhưng thức ăn thủy sản vẫn chỉ chiếm 4% tổng sản lượng thức ăn của thế giới, Alltech cho biết. Châu Phi, lục địa phát triển nhanh nhất thế giới về sản xuất thức ăn, có thể phát triển tốt hơn với các sản phẩm protein lành mạnh như gia cầm và thủy sản, có thể thấy nhu cầu về thức ăn thủy sản tăng lên trong những năm tới. Ngoài ra, protein từ côn trùng đang ngày càng trở nên phổ biến trong phát triển thức ăn thủy sản.

 

Loading...